CHÍNH TRỊ-KINH TẾ
CÂY VẢI TỔ THÚY LÂM -THANH HÀ
23/03/2022 12:00:00

CÂY VẢI TỔ THÚY LÂM -THANH HÀ

 
Ngày 8/1/2016, UBND huyện Thanh Hà tổ chức lễ công bố quyết định của Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục Việt Nam về cây vải thiều lâu năm nhất cho cây vải tổ ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn.

 

Cây vải tổ thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà có tuổi đời gần 200 năm

Nguồn gốc cây vải tổ.

Theo nhiều tài liệu ghi lại, cây vải Tổ đã có cách đây gần 200 năm tại thôn Thúy lâm, Thanh Sơn, huyện Thanh Hà  do cụ Hoàng Văn Cơm (tên tự là Phúc Thành), sinh ngày 10-5-1848 (Tự Đức năm thứ nhất) trong một lần đi dự tiệc với người Hoa Kiều tại Hải Phòng vào năm 1870, được ăn loại vải ngon nên đã đem 3 hạt về gieo trồng ở vườn nhà. Cây cho quả hương thơm, vị ngọt đặc biệt. Từ cây vải quý, cụ Cơm đã chiết cành nhân rộng ra vườn nhà và quanh vùng. Cụ Lê Quý Đôn đã từng nhận xét về quả vải như sau: “mã ngoài tự như lụa hồng tơ tía, thịt vải như thủy tinh, như dáng tuyết, vị ngọt đậm, ăn vào thấy thơm, tưởng chừng như thứ rượu tiên trên trời”. Vải Thúy Lâm được nhiều địa phương trong nước biết đến và truyền tụng “Cau Phù Tải, Vải Thúy Lâm”. Năm 1958, ông Lê Vi Vận đại diện cho cán bộ và nhân dân thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn đã mang vải lên biếu Bác Hồ, được Bác khen Thúy Lâm có giống vải quý, ăn rất ngon và khuyên nhân dân nên phát triển trồng giống cây vải quý này…Đặc trưng của vải thiều Thúy Lâm – Thanh Hà là hạt nhỏ, cùi dày, ăn rất thơm và ngọt lịm như đường, không có vải nơi nào sánh được, ăn vải có tác dụng bồi bổ cơ thể, tinh thần minh mẫn, hạt vải chữa nhiều bệnh như đậu mùa, đau răng, lỵ…Vải thiều Thúy Lâm là giống cây ăn quả đứng đầu về tuổi thọ, chất lượng và năng suất. Năm 1992, Trung ương Hội làm vườn Việt Nam đã tặng bia ký, bằng khen cụ Hoàng Văn Cơm – người đã có công trồng cây vải tổ, nhân dân trong vùng  tôn vinh cụ là ông tổ Vải thiều.

 

Chính thức công nhận kỷ lục Việt Nam về cây vải thiều lâu năm nhất cho cây vải tổ ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn

Từ gốc vải thiều vườn nhà, người Thanh Hà chiết cành rồi bán ra các tỉnh ngoài tăng thu nhập. Nhờ đó cây vải Thanh Hà đã lan rộng, bén rễ trên nhiều miền quê trong cả nước như Đông Triều (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Ao Châu (Phú Thọ), Đông Hưng (Thái Bình), Lục Ngạn (Bắc Giang). Trong đó, riêng huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) diện tích vải thiều chiếm gần 20 nghìn ha, trở thành cây chủ lực. “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, hằng năm đến mùa vải chín, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) lại cử đoàn đại biểu về Thúy Lâm dâng hương cụ tổ Hoàng Văn Cơm. Trong miếu, ngoài pho tượng còn có bức trướng ghi:“Nhân dân các dân tộc huyện Lục Ngạn biết ơn cụ Hoàng Văn Cơm, ông tổ vải thiều” .Từ khi bén rễ trên đất Thúy Lâm, đến nay, cây vải tổ đã gần 200 tuổi. Ở Thúy Lâm hiện còn 8 cây thuộc thế hệ cây con của cây vải tổ, trong đó vườn nhà ông Thu có 3 cây.

Phát triển mở rộng cây vải thiều.

Từ năm 1992, huyện Thanh Hà đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa diện tích vải thiều của huyện từ trên 1.000ha lên 3.927/6.476ha cây ăn quả trên địa bàn; sản lượng vải năm 2015 đạt gần 28.000 tấn. Vải thiều Thanh Hà có nét đặc trưng và có nhiều ưu thế về chất lượng so với cây vải trồng ở nhiều địa phương khác. Vải thiều Thanh Hà khi chín vỏ mỏng, gai lì, lớp vỏ lụa dai, hạt nhỏ, tỷ lệ phần thịt quả cao, có độ giòn của cùi, cùi vải ráo, khi bóc không chảy nước, ăn có cảm giác giòn, ngọt mát. Năm 2007, vải thiều Thanh Hà đã được cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Cục Sở hữu trí tuệ và liên tục đứng trong tốp các sản phẩm uy tín chất lượng như“Tinh hoa đặc sản 3 miền”, “Thương hiệu vàng, Logo và Slogan ấn tượng”…. Để nâng cao vị thế của vải thiều Thanh Hà, từ năm 2011 đến nay nông dân huyện Thanh Hà đã tiến hành trồng vải theo quy trình VietG​AP. Đến nay, Thanh Hà đã có trên 1.000ha vải trồng theo quy trình này và năm 2015 có 10ha được sản xuất theo yêu cầu; đã xuất khẩu vải thiều sang các nước: Mỹ, Úc, Hà Lan, Canada, Singpore, Malaysia, Nhật…Huyện Thanh Hà cho biết, năm 2016, huyện phấn đấu trên 1.000ha vải được xản xuất theo hướng VietGAP, 100ha sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu đi các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, EU đồng thời khai thác tiềm năng phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, sông nước, tâm linh…thu hút khách tham quan tìm hiểu về lịch sử văn hóa dân tộc.

Cây vải tổ sẽ là điểm du lịch.

Hàng năm được du khách xa gần viếng thăm, các hoạt động này đã từng bước phát triển, đây là một trong số các điểm đến của huyện Thanh Hà như “Rối nước xã Thanh Hải”; “Chùa Bạch Hào” xã Thanh Xá; du lịch Sông Hương Thanh Hà…. Hiện naykhách đến cây vải tổ Thúy Lâm chủ yếu là vào mùa vải chín. Các hoạt động đón tiếp khách được Chính quyền địa phương và gia đình quản lý cây vải tổ đảm nhiệm, thông tin, giới thiệu nguồn gốc, xuất xứ về cây vải tổ đã được quảng bá khá đầy đủ; các công trình phụ trợ như nhà khách, đền thờ Cụ Hoàng Văn Cơm được Huyện, xã quan tâm đầu tư xây dựng khang trang, đường giao thông kết nối hết sức thuận lợi. Thanh Hà sẽ xây dựng khu bảo tồn cây vải tổ trở thành các Tour du lịch đúng như các vị khách từng đánh giá khi về thăm cây vải tổ:“So với miệt vườn Nam Bộ, Thanh Hà chẳng kém cạnh gì, chắc chắn Thanh Hà sẽ tổ chức được các tour du lịch như các địa phương ở Nam Bộ đã làm?”.

Kết quả giải quyết TTHC
Đến tháng 09 đã giải quyết:
100%
Số hồ sơ xử lý: 2511
Trước & đúng hạn: 2511
Trễ hạn: 0
Tỉ lệ trễ hạn: 0%
Chi tiết
( Cập nhật lúc:26/09/2023 15:56:33)

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ THANH SƠN - HUYỆN THANH HÀ

Trưởng Ban Biên tập: Ông: Nguyễn Văn Bẩy - Phó chủ tịch UBND xã.

Địa chỉ: UBND xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0915368995

Email: trangtindientuxathanhson@gmail.com

Đang truy cập: 3
Hôm nay: 9
Tháng này: 2,940
Tất cả: 96,409